Môi trường gia đình được biết đến là nơi khởi đầu, nuôi dưỡng một đứa trẻ. Gia đình được gọi với tên thân quen là « tế bào của xã hội ». Đây là điểm khởi đầu và có sự gắn bó mật thiết với sự phát triển của con trẻ. Thái độ và tinh thần của con trẻ phần nào phản ánh đời sống gia đình.

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”

Hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy âu yếm khi nói về thế hệ tương lai của đất nước – các em nhỏ. Trẻ em là tương lai của đất nước. Vì vậy, việc tạo môi trường sinh hoạt, học tập tốt cho các em là điều vô cùng quan trọng. Chăm sóc và giáo dục trẻ em tốt lên mỗi ngày có sự kết hợp nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà yếu tố « gia đình » lại xếp vị trí đầu tiên với nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.

 Hôm nay, Nhà Moon sẽ cùng bạn khám phá về những đặc điểm của môi trường gia đình tạo nên đứa trẻ hạnh phúc.

1. Môi trường gia đình tràn ngập tình yêu thương

1.1 Biểu hiện của gia đình nhiều tình yêu thương

Nếu nói tình cảm, kỹ năng sống của trẻ là tấm gương phản chiếu tình cảm, kỹ năng của cha mẹ quả không sai. Người lớn – đặc biệt người gần gũi với trẻ nhất là cha mẹ – luôn là một hình mẫu mà con trẻ nhìn vào. Khi cha mẹ dành những cử chỉ ngọt ngào, chân thành, yêu thương với bạn đời và các con, trẻ sẽ quan sát được điều đó. Môi trường gia đình tốt không chỉ là những lời nói ngọt ngào. Bởi trẻ có thể quan sát những cử chỉ, hành động nhỏ mà cha mẹ dành cho nhau. Chưa cần đến những tư duy to lớn hay quá logic, trẻ cũng đơn giản hiểu được những cử chỉ đong đầy tình cảm mà thành viên trong gia đình dành cho nhau.

1.2 Ưu điểm khi môi trường gia đình tràn ngập tình yêu thương

Môi trường gia đình vui vẻ, yêu thương sẽ tạo nên một đứa trẻ có nụ cười thường trực trên môi. Bởi trẻ có thể quan sát, cảm nhận những tình cảm đó của bố mẹ. Từ đó, trẻ cũng định hình trong suy nghĩ cách thể hiện tình cảm với những người thân yêu xung quanh. Có bao giờ chúng ta gặp một cô bé/ cậu bé luôn trưng bộ mặt ủ rũ, sầu thảm trong một gia đình tràn ngập tiếng cười không? Có lẽ là không rồi. Vì vậy, người lớn đừng có tâm lý dè chừng hay ngại thể hiện tình cảm (một cách chừng mực) với bạn đời trước mặt con.

Môi trường gia đình tràn ngập sự yêu thương
Môi trường gia đình tràn ngập sự yêu thương

2. Mọi người trong gia đình tôn trọng ý kiến lẫn nhau

Các cụ nhà ta thường nói “Bát đũa còn có lúc xô”. Câu nói ý chỉ các cặp vợ chồng khi đã lấy nhau khó tránh khỏi những cuộc cãi vã, bất đồng quan điểm. Thế giới chúng ta sống có hàng tỷ người, hẳn nhiên cũng có hàng tỷ cách xử trí khi mâu thuẫn ý kiến. Nói vậy có vẻ xa xôi, nhưng trong phạm vi gia đình, mỗi cặp vợ chồng cũng sẽ có cách xử trí mỗi khi bất đồng quan điểm. Điểm mấu chốt là vợ chồng giải quyết những mâu thuẫn đó bằng cách nào?

Mọi người trong gia đình tôn trọng ý kiến lẫn nhau
Mọi người trong gia đình tôn trọng ý kiến lẫn nhau

Trong cùng một môi trường gia đình, trẻ có thể dễ dàng bắt gặp nhiều tình huống cha mẹ không có chung ý kiến. Đó có thể là cuộc tranh luận từ nhỏ đến lớn. Đó cũng có thể là lời qua tiếng lại…Nếu các cặp vợ chồng mỗi người chịu làm “dịu bớt” cái tôi, sẵn sàng ngồi xuống lắng nghe nhau thì đó là điểm cộng rất lớn. Khi trẻ thấy cha mẹ sẵn sàng dành thời gian chia sẻ quan điểm cá nhân, người còn lại sẵn sàng lắng nghe đối phương, vậy là trẻ đã tiếp nhận một cách xử lý của người lớn khi gặp phải mâu thuẫn. Đó là việc tôn trọng ý kiến của đối phương.

Cha mẹ làm gương về việc tôn trọng ý kiến người khác, trẻ lớn lên có cho mình sự tự tin khi trình bày ý kiến.

3. Cha mẹ biết lắng nghe và thấu hiểu

Môi trường gia đình là nơi con trẻ gần gũi và có những bộc lộ cảm xúc chân thực nhất. Nhiều bậc cha mẹ đôi khi vô tình có thể gạt đi những câu hỏi đầy ngô nghê của con. Đối với trẻ, thế giới ngoài kia vô cùng bao la, rộng lớn. Có rất nhiều điều trẻ thấy mới lạ, có khao khát “được biết”. Vì vậy, các em thường đặt những câu hỏi cho người gần các em nhất, đó là cha mẹ. Những câu hỏi đầy sự tò mò của trẻ thường có những từ như “tại sao”? Khi ấy, cha mẹ toàn tâm toàn ý lắng nghe câu hỏi của trẻ và giải thích cặn kẽ cho các con hiểu, đó sẽ là lúc trẻ tiếp nhận kiến thức chủ động. Đôi khi vì sự hiếu động, trẻ cũng nói liên hồi về những điều đã nghe, đã thấy. Cha mẹ biết lắng nghe, động viên, cổ vũ hoặc ngược lại là răn dạy trẻ, trẻ sẽ dần hình thành suy nghĩ cái gì được nói, cái gì không.

Cha mẹ lắng nghe con cái
Cha mẹ lắng nghe con cái

4.  Cha mẹ tạo cho con “không gian riêng”

Có nhiều người lớn khi nói đến vấn đề “tạo không gian riêng” cho trẻ thì chỉ cười và tặc lưỡi bỏ qua. Nhiều người nghĩ rằng người lớn mới cần không gian riêng tư, nhưng trẻ con cũng có mong muốn sở hữu cao. Môi trường gia đình tốt là khi mọi người đều được trân trọng, lắng nghe, không phân biệt lứa tuổi. Không phải ngẫu nhiên khi có các bé gái mong chờ bố mẹ sắp xếp cho mình một không gian ngập tràn sắc hồng. Có các bé trai thích bố mẹ dán phòng có chủ đạo màu xanh vì bé thích siêu nhân nhện… Khi các bé được sống trong không gian mà cha mẹ dành cho mình, bản thân các bé sẽ tự cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn để giữ gìn sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng đồ vật. Ngoài nghĩa đen, “không gian riêng” còn ý chỉ đến những điều riêng tư của bé. Có thể kể đến như nhật kí, những bức tranh vẽ…mà trẻ chưa muốn/không muốn bố mẹ xem được. Vậy thì các ông bố bà mẹ hãy tôn trọng những điều này ở con. Khi bé được tôn trọng những “dấu ấn riêng” của chính mình, các bé sẽ có suy nghĩ tự lập từ sớm.

Cha mẹ tạo cho con không gian riêng
Cha mẹ tạo cho con không gian riêng

5. Cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm sống cho con cái

Trong môi trường gia đình, các bậc phụ huynh ai cũng có sự bận rộn với công việc, cuộc sống, các mối quan hệ… Nhưng việc dành cho các con những khoảng thời gian riêng tư để cả nhà có thể cùng nhau chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống là một điều tuyệt vời. Thời gian đó có thể là sau giờ cơm mỗi tối, hoặc các buổi cuối tuần rảnh rỗi. Bạn sẽ vô cùng bất ngờ khi thấy đứa bé ngày nào mình còn tay ấp tay bồng lại có thể quan sát những câu chuyện xung quanh vô cùng tinh tế…Khoảng thời gian này cũng chính là lúc phù hợp để cha mẹ giải đáp các thắc mắc của con. Đồng thời, dành cho trẻ những lời khuyên, lời phân tích y hệt một “chuyên gia”, nhưng lại với tư cách một người bạn bên con. Khi trẻ được cha mẹ quan tâm, chia sẻ nhiều, trẻ sẽ được giải toả những năng lượng cả tích cực và tiêu cực. Sự thoải mái sẽ tạo điều kiện cho trẻ mở lòng với cha mẹ, tin rằng cha mẹ là người hướng dẫn, chỉ đường vô cùng quan trọng.

Cha mẹ dành thời gian cho con
Cha mẹ dành thời gian cho con

Trên đây là bài viết của Nhà Moon về những yếu tố cần thiết có trong một gia đình để tạo nên một đứa trẻ hạnh phúc. Hy vọng rằng bài viết là hữu ích để các bậc cha mẹ có những “khoảng nghỉ” trong cuộc sống bộn bề, dành cho con cái nhiều điều tuyệt vời mà trẻ rất hứng thú. Một số mẹo để cân bằng thời gian cho gia đình tại đây. Hãy theo dõi FacebookInstagram của chúng mình để cùng khám phá những câu chuyện hay ho mỗi ngày nhé!