Nếu đã có dịp đến thăm thành phố Huế mộng mơ mà không đến tham quan Đại nội Huế thì quả là một thiếu sót lớn.
Tọa lạc bên bờ sông Hương, Đại nội Huế là một trong những di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.
Hôm nay hãy cùng nhà Moon đi khám phá những dấu ấn đặc sắc của công trình kiến trúc mang đậm hơi thở lịch sử này nhé!
Giới thiệu về Đại nội Huế
Địa chỉ: Đường 23/8, phường Thuận Hòa, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nằm ở bờ Bắc của dòng sông Hương, Đại nội Huế thuộc vòng thứ hai – là lớp lá chắn bảo vệ Kinh Thành Huế.
Nơi đây đã từng là nơi sinh sống của các vị vua chúa, quý tộc và cũng là nơi chứng kiến sự hưng thịnh và suy vong của triều Nguyễn dưới thời vua Bảo Đại.
Lịch sử hình thành Đại nội Huế
Năm 1803, Gia Long lên ngôi hoàng đế và chọn vùng đất này làm thủ đô của triều nhà Nguyễn.
Theo sử sách ghi lại, Đại nội Huế được khởi công xây dựng từ năm 1804 nhưng mãi đến năm 1833, vua Minh Mạng mới hoàn thành xong này.
Đây được xem là công trình có quy mô đồ sộ nhất, với sự tham gia xây dựng của hàng vạn người, hàng triệu mét khối đất đá cùng một khối lượng việc khổng lồ từ đào hào, lấp sông, dời mộ, di dân, đắp thành…
Khám phá kiến trúc Đại nội Huế
Toàn bộ Đại nội Huế có 4 cửa để ra vào, trong đó Ngọ Môn ở phía Nam được xem như cửa chính.
Đại Nội song song với tất cả những hệ thống cung điện ở bên trong và được sắp xếp theo một trục đối xứng. Trong đó, trục giữa chỉ dành riêng cho vua, những công trình xung quanh thì sẽ tuân thủ theo nguyên tắc “Tả nam hữu nữ”, “Tả văn hữu võ”.
Các kiến trúc chính của Đại nội Huế bao gồm:
Hoàng Thành (nơi vua thiết triều và làm việc) và Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc).
Khu Hoàng Thành gồm có Cổng Ngọ Môn, Điện Thái Hòa.
Tử Cấm Thành gồm Đại Cung Môn, Tả Vu và Hữu Vu , Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu, Cung Diên Thọ…
Cổng Ngọ Môn – Kinh thành Huế
Cổng Ngọ Môn có 5 cửa, cửa chính giữa dành cho vua, hai bên dành cho quan văn, quan võ, và hai cổng ngoài cùng là dành cho binh lính và voi, ngựa theo hầu.
Phía trên cổng là là Lầu Ngũ Phụng có kết cấu bằng gỗ lim, chia làm 2 tầng và 9 bộ mái, mái giữa được lợp màu vàng, còn lại là 8 lợp mái xanh.
Chỉ vào những dịp lễ đặc biệt hoặc nghi thức quan trọng thì triều đình nhà Nguyễn mới sử dụng cổng này.
Điện Thái Hòa
Cùng với Sân Đại Triều Nghi, Điện Thái Hòa là nơi tổ chức các buổi triều quan trọng của triều đình và là biểu tượng đại diện cho quyền lực tối cao của Hoàng triều nhà Nguyễn thời bấy giờ.
Bên trong cùng của điện là nơi đặt ngai vàng của nhà vua, ở vị trí ba tầng bệ gỗ. Mọi thứ ở đây đều được dát vàng rất sang trọng, bắt mắt.
Chất liệu xây dựng điện chủ yếu là gỗ lim. Mái điện, cột điện, tường… đều được điêu khắc hình rồng uốn lượn.
Tử Cấm Thành
Đúng như tên gọi, Tử Cấm Thành là nơi được ví như “cấm địa” dành cho vua nên trước đây được bảo vệ và canh giữ cực kỳ nghiêm ngặt.
Trong Tử Cấm Thành có hơn 50 công trình kiến trúc với quy mô đa dạng khác nhau, tiêu biểu phải kể đến là Điện Cần Chánh (nơi vua thiết triều và tổ chức yến tiệc), Điện Càn Thành (nơi vua nghỉ ngơi), Thái Bình Lâu (nơi vua thư giãn, đọc sách), Tả Vu và Hữu Vu,…
Tại đây bạn có thể cảm nhận rõ rệt sự sa hoa và tinh tế từ các món hiện vật và lối kiến trúc tinh xảo bậc nhất trong khuôn viên Đại Nội Huế.
Vườn Cơ Hạ
Đây là một điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Đại Nội Huế bởi vẻ đẹp trữ tình không khác gì các bộ phim cung đấu của Trung Quốc.
Dưới thời Nguyễn, đây từng là nơi học tập của các vị hoàng tử. Khi đặt chân đến đây, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những khối đá tiểu cảnh, cùng gần 600 cây cảnh, phong lan, hoa súng và sen.
Cung Trường Sanh & Cung Diên Thọ
Tiếp nối hành trình khám phá Đại nội Huế sẽ là cung Trường Sanh – là nơi ở của các Thái Hoàng Thái Hậu (bà nội của Vua) và Cung Diên Thọ – nơi sinh sống của Hoàng Thái Hậu.
Do sự tàn phá của thời gian, mặc dù nơi này không còn là chốn ‘lầu son, gác tía’ như trước kia nhưng đây được xem là công trình kiến trúc cung điện quy mô nhất còn sót lại tại cố đô Huế.
Nên đến Đại nội Huế vào tháng mấy?
Bạn có thể đến thăm Đại nội Huế vào mùa xuân (tháng 1 – 2) vì đây là khoảng thời gian mát mẻ nhất trong năm.
Tuy nhiên, nếu bạn yêu thích sự náo nhiệt của mùa lễ hội và không sợ cái nắng gay gắt của Huế thì hãy đến đây vào mùa hè (khoảng tháng 4 đến tháng 6).
Giờ mở cửa:
Mùa hè: 6:30 – 17:30
Mùa đông: 7:00 – 17:00
Di chuyển đến Đại nội Huế như thế nào?
Đại nội Huế tọa lạc ngay trung tâm thành phố Huế nên bạn có thể đến đó bằng taxi, xe máy, xe đạp và cả xích lô.
Xem thêm: Du lịch Huế bằng tàu hỏa xuất phát từ Đà Nẵng, bạn đã thử chưa?
Vì Đại nội Huế rất rộng lớn nên nhà Moon khuyến nghị bạn bắt đầu chuyến thăm quan của mình vào buổi sáng để không bỏ lỡ bất kỳ nơi nào.
Không chỉ là một biểu tượng chứng kiến biết bao thăng trầm và đổi thay của lịch sử, Đại nội Huế còn là niềm tự hào bất diệt của người Việt về một nền văn minh đã từng cực thịnh trong quá khứ.
Nếu có thể, hãy một lần ghé thăm mảnh đất này để cảm nhận trọn vẹn lịch sử bi tráng của dân tộc bạn nhé!