Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của ngành du lịch Việt Nam hậu Covid là phải tái cơ cấu thị trường du lịch, định hướng phát triển bền vững và đầu tư vào các sản phẩm, thị trường mới.
Vậy tái cơ cấu thị trường du lịch cần triển khai những giải pháp nào? Tung ra những sản phẩm mới nào? Phát triển thị trường khách hàng như thế nào? Đó là những yếu tố cần thực hiện quyết liệt để thúc đẩy ngành du lịch chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2021.
1. Tái cơ cấu thị trường du lịch cần chú ý đến đầu tư và phát triển các sản phẩm mới lạ, độc đáo:
Các sản phẩm mới cần dựa trên thị hiếu, nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần đánh giá nguồn tài nguyên du lịch hiện có và kết hợp ứng dụng công nghệ thông minh, du lịch số để mang đến cho du khách những ấn tượng tuyệt vời về du lịch Việt Nam.
Một số loại hình du lịch được dự đoán là xu hướng du lịch mới trong thập kỷ tới theo nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Đọc thêm: 5 xu hướng du lịch năm 2021
1.1. Sustainable Tourism – Du lịch thân thiện và bền vững
Du lịch bền vững (Sustainable Tourism) là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương.
Nghiên cứu của Booking.com 2019 cho thấy, trên 55% du khách toàn cầu hướng đến du lịch bền vững nhiều hơn vào năm 2020. 73% khách có ý định lưu trú ít nhất một lần ở nơi thân thiện môi trường hoặc gần gũi thiên nhiên. 34% du khách muốn trải nghiệm chuyến đi dựa trên độ tin cậy của các thương hiệu và kinh nghiệm người đi trước.
Tại Việt Nam, mô hình du lịch bền vững đang được đầu từ và phát triển khá tốt dưới dạng các tour khám phá và trải nghiệm văn hóa truyền thống. Sở dĩ vậy là vì Việt Nam là một đất nước có văn hóa đặc, các ngành nghề truyền thống phong phú, điểm du lịch sinh thái đa dạng.
1.2. Time Share – Sở hữu kỳ nghỉ:
Mô hình du lịch này xuất phát từ châu Âu, còn được gọi là mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ”. Mô hình này cho phép du khách chủ động lịch trình, gia tăng trải nghiệm thực tế, chi phí tiết kiệm đến 70% so với các tour thông thường, nhưng các dịch vụ cơ bản vẫn được đáp ứng.
Việc cho phép chủ động lịch trình và kết nối nhiều hành trình tạo cho du khách tâm thế chủ động về mặt thời gian. Bạn sẽ không còn phải lăn tăn về ngày xuất phát, rảnh lúc nào đi lúc đó mà không cần đợi ghép đoàn như các tour truyền thống. Với tính mở của hệ thống, du khách còn có thể kết hợp tour để công tác hoặc thăm người thân.
Sở hữu kỳ nghỉ, đã được áp dụng nhiều tại các nước phát triển và đã mang đến sự tiện lợi, tính chủ động và tăng độ tin tưởng cho khách hàng. Mặc dù mới du nhập vào Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng mô hình này đang ngày càng khẳng định được tính ưu việt và được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Một số resort, khách sạn tại Việt Nam đang áp dụng mô hình này thành công có thể kể đến như Alma, FLC,…
1.3. All – in – one – Du lịch khám phá và tận hưởng:
Nếu như các chuyến du lịch phiêu lưu thường được lựa chọn nhiều hơn bởi những cá nhân ưa mạo hiểm thì ngược lại, các gia đình lại thiên về trải nghiệm nghỉ dưỡng, đề cao giá trị hưởng thụ có được trong suốt kỳ nghỉ.
Có thể thấy đây là mô hình du lịch đang được các resort, khách sạn cao cấp chú trọng đầu tư. Khi sử dụng dịch vụ mô hình này, du khách sẽ được khám phá toàn bộ các dịch vụ cơ bản như ăn, chơi, nghỉ dưỡng và trải nghiệm thêm các dịch vụ đẳng cấp riêng biệt như trực thăng, khinh khí cầu, tàu ngầm, khu vui chơi,…
Các địa phương nổi bật với mô hình du lịch khám phá và tận hưởng là các thành phố ven biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Các dự án lớn tại các địa phương này cũng chú trọng vào nhu cầu này của khách hàng và không ngừng phát triển các sản phẩm riêng biệt cho khách hàng. Các ông lớn ngành du lịch đang dẫn đầu mô hình này là Vingroup và Sungroup với hệ thống nghỉ dưỡng đẳng cấp trải dài khắp Việt Nam: Bà Nà Hill, Phú Quốc United Center, tổ hợp đảo Hòn Tre,…
Các chuyên gia cũng khẳng định, Việt Nam cần nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế như chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch văn hóa, thể thao… Đây cũng là xu hướng mới của du khách kể từ khi Covid-19 xuất hiện.
2. Đa dạng hóa thị trường khách quốc tế là điều cần thiết và quan trọng trong tái cơ cấu thị trường du lịch:
Theo thống kê năm 2019, thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn đầu về lượng du khách với lần lượt là 4.290.802 lượt và 5.806.425, chiếm 56% tổng thị trường quốc tế. Trong khi đó, thị trường khách châu Âu chỉ chiếm 12% – châu Âu được đánh giá là thị trường khách trọng điểm với ngành du lịch thế giới. Cán cân du lịch trước dịch Covid nghiêng hẳn về thị trường Đông Bắc Á. Vì vậy, ngành du lịch cần phải tính đến các biện pháp để cân bằng cán cân du lịch và tránh phụ thuộc vào các thị trường lớn nhưng có thể không ổn định.
Đại dịch Covid trong nước đã được kiểm soát tốt. Các quốc gia Đông Nam Á cũng dần kiểm soát được tình trạng lây nhiễm cộng đồng. Đồng thời, các loại vac-xin đã được thử nghiệm thành công và tiêm chủng đại trà trên toàn thế giới. Bước đầu, Việt Nam có thể tính toán để mở cửa đón lượt khách du lịch tiềm năng của khu vực Đông Nam Á, các nước lân cận đã kiểm soát dịch tốt.
Với các thị trường “nhà giàu” như Tây Âu, Bắc Mỹ, đặc trưng của du khách thị trường này là thời gian lưu trú dài, mức chi tiêu cao. Nếu nắm rõ và hiểu được thị hiếu thị trường này, chắc hẳn Việt Nam sẽ là điểm đến tuyệt vời và thu hút lượng lớn du khách “nhà giàu”.