Đứa trẻ bên trong là một yếu tố quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta, nó có thể gợi nhớ lại những kỉ niệm tươi đẹp của tuổi thơ cũng như những ký ức đau buồn, những mất mát to lớn mà chúng ta đã từng trải qua. 

Nói cách khác, đứa trẻ bên trong phản ánh cách chúng ta kết nối với thế giới bên ngoài. Nếu phần bên trong khỏe mạnh thì chúng ta sẽ luôn hoạt bát và tràn đầy năng lượng tích cực, ngược lại nếu nó từng bị tổn thương, chúng ta sẽ luôn bị giày vò bởi những chấn thương trong quá khứ. 

Làm thế nào để chữa lành vết thương lòng? 

Trong mỗi chúng ta đều có một “đứa trẻ bên trong”  

Khái niệm đứa trẻ bên trong lần đầu tiên được đề xuất bởi nhà tâm lý học Carl Jung sau khi ông xem xét những cảm xúc của chính mình vào thời niên thiếu. Jung cho rằng chính phần bên trong này của chúng ta đã ảnh hưởng đến những gì chúng ta làm và những quyết định mà chúng ta đưa ra.

Đứa trẻ bên trong chính là một phần của tiềm thức gợi nhớ chúng ta về một điều gì đó đã từng xảy ra trong quá khứ, bạn sẽ nhớ đến người bà của mình khi gặp một bà cụ có dáng vẻ tương tự trên đường, bạn sẽ nhớ đến dáng vẻ của mình khi nhìn thấy một đứa bé bị một nhóm bắt nạt,…

Thật không may nếu đứa trẻ bên trong bị tổn thương thì sẽ tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực trong suốt quá trình trưởng thành của chúng ta. 

Mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ bên trong
Mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ bên trong (Ảnh: Internet)

Những vết thương lòng khiến đứa trẻ bên trong “bị ốm”

Cha mẹ và người giám hộ có trách nhiệm tạo ra một môi trường an toàn về thể chất cũng như tâm lý cho con cái của họ, nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Một số phụ huynh và người giám hộ không nhận trách nhiệm này, không nhận thức được trách nhiệm này hoặc không có khả năng thực hiện trách nhiệm này. 

Có ba vết thương bên trong phổ biến mà đứa trẻ của chúng phải gánh chịu là: 

Vết thương bị bỏ rơi (Abandonment wound):

Nếu bạn là trẻ mồ côi, bố mẹ ly hôn, người thân qua đời… bạn có thể sợ phải ở một mình hoặc bị bỏ rơi. Những vết thương bị bỏ rơi khác phát sinh từ sự chối bỏ của bạn bè, bệnh tật kinh niên, những cuộc chia tay của cuộc tình nhiều năm hoặc tình trạng độc thân kéo dài… Tất cả điều này dẫn đến việc chúng ta khó mở lòng, luôn bất an trong các mối quan hệ…

Vết thương lòng tin (Trust wound): 

Nếu lúc nhỏ bạn bị người thân bên cạnh lừa dối, dẫn đến một hệ quả vô cùng nghiêm trọng thì khi lớn lên, bạn sẽ rất khó để trao lòng tin cho người khác. Bạn luôn bất an và cẩn trọng một cách thái quá với những giao dịch liên quan đến sự tin tưởng như vay mượn, hứa hẹn,… 

Bạn tạo cho mình một lớp vỏ bọc kiên cố khiến người khác không thể tiếp cận, vô hình chung bạn cũng tự bó buộc bản thân, vòng tròn xã giao của bạn cũng bị thu hẹp đáng kể. 

Vết thương bị chối bỏ (Neglect wound):

Thoạt nghe thì vết thương này có vẻ giống với vết thương bị bỏ rơi, tuy nhiên nếu vết thương bị bỏ rơi đề cập đến việc bỏ lại theo đúng nghĩa đen về thể xác thì vết thương bị chối bỏ liên quan nhiều đến vấn đề tinh thần.

Người mang vết thương bị chối bỏ thường bị những người thân, những người bạn, những người họ xem là quan trọng bỏ rơi, tạo thành những vết thương về cảm xúc khi còn nhỏ. 

Bố mẹ luôn chỉ quan tâm đến anh/chị/em của bạn mà không hề đoái hoài gì đến bạn, người bạn thân của bạn chơi với một nhóm bạn khác và không còn liên hệ với bạn nữa,… là những biểu hiện kinh điển của việc bị chối bỏ và nó ảnh hưởng không nhỏ đến đứa trẻ bên trong chúng ta.

Xem thêm: Môi trường gia đình như thế nào tạo nên đứa trẻ hạnh phúc?

Những vết thương lòng sẽ đi theo chúng ta khi trưởng thành
Những vết thương lòng sẽ đi theo chúng ta khi trưởng thành (Ảnh: Internet)

Làm thế nào để chữa lành “đứa trẻ” ấy? 

Mỗi người chúng ta đều có những hành trình và trải nghiệm hoàn toàn khác nhau nên không có một khuôn mẫu nào nhất định. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể xoa dịu, vỗ về và bắt đầu hành trình chữa lành đứa trẻ bên trong.

Điều đầu tiên cũng là quan trọng nhất chính là bạn phải học cách yêu thương bản thân nhiều hơn trong cả suy nghĩ và hành động, đồng thời bạn phải luôn tin tưởng rằng mình xứng đáng được mọi người xung quanh yêu thương và trân trọng. 

Học cách đối diện với những vết thương lòng, tuy quá trình này có lẽ sẽ rất đau khổ nhưng bạn sẽ biết được nguồn gốc của sự tổn thương, từ đó bạn có thể chọn cách tha thứ cho người gây ra tổn thương này, có lẽ như vậy bạn sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. 

Thường xuyên trò chuyện với đứa trẻ bên trong bằng cách viết những nỗi đau, những điều khiến bạn khó chịu ra giấy, sau đó hãy tìm giải pháp để giải tỏa những nguồn năng lượng tiêu cực này.  

Học cách yêu bản thân cũng là một trong những cách chữa lành đứa trẻ bên trong
Học cách yêu bản thân cũng là một trong những cách chữa lành đứa trẻ bên trong (Ảnh: Internet)

Hành trình chữa lành là sự kết nối giữa thực tại với đứa trẻ bên trong bạn, học cách chấp nhận những tổn thương, bao dung hơn cho những cảm xúc ấy để trưởng thành hơn. Nhà Moon hy vọng những chia sẻ trên sẽ hữu ích cho bạn trong quá trình chữa lành tâm hồn.