Cuộc sống luôn tràn ngập những điều diễn ra không như ý muốn của chúng ta. Vì thế mà sau khi gặp phải thất bại hay đổ vỡ, chúng ta thường học cách đối mặt và vượt qua nó.
Thế nhưng, những điều không hoàn hảo này lại là ác mộng đối với những người mắc hội chứng Atelophobia – Hội chứng sợ những điều không hoàn hảo.
Giới thiệu hội chứng “sợ những điều không hoàn hảo” Atelophobia
Thuật ngữ “Atelophobia” có nguồn gốc từ Hy Lạp, trong đó tiền tố “Atelo(s)” nghĩa là “không hoàn hảo” và hậu tố “phobia” nghĩa là “nỗi sợ”. Hội chứng này dùng để diễn tả cảm giác lo sợ về những điều không hoàn hảo.
Những người mắc hội chứng này cực kì cầu toàn với bản thân, họ luôn đặt những mục tiêu mang tính lý tưởng và có xu hướng né tránh những công việc hay thử thách mà họ cho rằng có thể khiến họ phạm sai lầm.
Chính sự khắt khe với bản thân, những người “sợ những điều không hoàn hảo” này thường hay sống trong căng thẳng và thậm chí rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu nếu như mọi việc đều không đúng như mong đợi.
Dấu hiệu điển hình của hội chứng Atelophobia
Việc phát hiện bạn có mắc Atelophobia hay không rất khó đoán định vì triệu chứng của nó rất đa dạng và thường liên quan đến cảm xúc, tinh thần lẫn thể chất. Nên thông thường, các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh, tình trạng xã hội và tiền sử gia đình để xác định dựa trên những tiêu chuẩn của DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders).
Thế nhưng bạn có thể thông qua quan sát một số đặc điểm sau để đưa ra những phán đoán sơ bộ:
- Không có khả năng tập trung vào bất cứ điều gì ngoài nỗi sợ hãi
- Thường xuyên tìm kiếm sự trấn an
- Thất vọng tột độ trước những sai lầm không đáng kể
- Có cái nhìn bi quan về cuộc sống
- Thường đặt ra những tiêu chuẩn phi thực tế
- Đặc biệt nhạy cảm với sự chỉ trích…
Thông thường, những cảm xúc và trạng thái tinh thần này có thể gây ra các triệu chứng về thể chất, chẳng hạn như đổ mồ hôi, thở nhanh, nhịp tim tăng và khô miệng, thậm chí có thể bị rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị và bồn chồn.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Atelophobia
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng này, cụ thể:
Ám ảnh từ quá khứ: Bạn đã từng mắc một sai lầm không thể nào cứu vãn hoặc nhận một thất bại lớn khiến bạn đau buồn và tuyệt vọng trong một thời gian dài. Chính những điều đó đã để lại một vết sẹo tâm lý khiến bạn lo sợ rằng bản thân có thể lặp lại điều tương tự trong tương lai.
Lớn lên trong một môi trường khắc nghiệt: Bạn được nuôi dưỡng trong một gia đình theo chủ nghĩa hoàn hảo, những gì bạn làm đều không đủ tốt.
Để làm hài lòng mọi người xung quanh, bạn không được phép thất bại hoặc mắc lỗi. Nếu phạm sai lầm, bạn có lẽ sẽ bị trách mắng, không được yêu thương, không được tôn trọng,…
Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy bạn có khả năng mắc phải hội chứng sợ những điều không hoàn hảo nếu người thân của bạn cũng đã từng mắc phải chứng bệnh này.
Làm thế nào để vượt qua hội chứng “sợ những điều không hoàn hảo”
Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và tiền sử bệnh án của bạn. Thông thường, việc điều trị Atelophobia sẽ thông qua việc thay đổi thói quen sống, điều trị tâm lý và sử dụng thuốc.
Thay đổi thói quen sống bao gồm việc giảm sử dụng các thứ có chứa caffeine, tăng cường vận động và luyện tĩnh tâm thông qua thiền hoặc yoga.
Điều trị tâm lý bằng liệu pháp phơi nhiễm (exposure therapy) hoặc liệu pháp nhận thức-hành vi (cognitive-behavioral therapy) dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ tâm lý.
Liệu pháp phơi nhiễm khiến người mắc hội chứng sợ những điều không hoàn hảo phải liên tục đối mặt với những tình huống gây ra chứng sợ atelophobia của họ với mục đích giúp họ học cách thích nghi và đối mặt với nó để xóa bỏ nỗi sợ về việc mắc lỗi trong tương lai.
Còn liệu pháp nhận thức-hành vi cho phép người mắc atelophobia tiếp xúc với những tình huống có thể kích thích nỗi sợ hãi về sự không hoàn hảo của họ nhằm xác định chính xác các tác nhân gây ra nỗi sợ đó và thay đổi hành vi và cảm xúc của họ.
Hoặc bạn có thể chia sẻ những điều khiến bạn trăn trở với những người thân thiết, những người luôn trân trọng cá tính và con người thật của bạn. Có thể họ sẽ cho bạn một số lời khuyên, những lời động viên để bạn vượt qua nỗi sợ này.
Việc đối mặt và vượt qua hội chứng sợ những điều không hoàn hảo là một quá trình lâu dài và cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý nhưng quan trọng hơn cả là bạn phải tự mình mở nút thắt trong lòng, điều này sẽ có lợi hơn trong việc điều trị.
Nhà Moon tin rằng bạn sẽ chiến thắng bản thân và vượt qua nó một cách dễ dàng! Chúc bạn một đời bình an.