Năm tôi 10 tuổi, mẹ hay bảo: “ Ăn lẹ lên rồi còn kịp đến trường nào con!”

Năm tôi lên 15, ba thường dặn: “ Đừng tự rước nhiều áp lực về chuyện đậu trường chuyên con ạ, sức khoẻ cũng quan trọng chẳng kém đâu”.

Năm tôi ở ngưỡng 18, mẹ nói: “ Ba mẹ tin vào mọi sự lựa chọn của con, con cứ cố gắng thi vào trường đại học mà con thích thôi”.

Năm tròn 20, mẹ bảo: “ Con gái của mẹ có đi năm châu bốn bể, có vấp ngã bao nhiêu lần, thì con phải nhớ vẫn luôn có nhà là nơi để về và có gia đình luôn ở sau ủng hộ con”.

 

Lời nói của mẹ cha vẫn luôn theo tôi trên từng chặng đường trưởng thành với vô vàn thăng trầm. Đó có lẽ là cách gia đình vẫn luôn âm thầm bên cạnh để nâng đỡ, chở che và sẻ chia cùng đứa con gái bé bỏng trong nhà. Song, tôi lại từng lầm tưởng việc có gia đình bên mình như một thói quen bất di bất dịch. Và rồi khi guồng quay cuộc sống cuốn tôi đi với những nỗi bận tâm về thời gian, tiền bạc, những mối quan hệ hay về chuyện tương lai, tôi chợt vô tình quên mất đi chuyện thực tại, rằng luôn có một chỗ dựa tinh thần vững chắc đầy uy lực có thể nâng tôi qua mọi giông bão và thử thách, bất chấp trở ngại về khoảng cách địa lý: gia đình. 

Bao lâu rồi bạn chưa gọi về nhà?

Ca sĩ Trúc Nhân đã nhắc đến trong tác phẩm “Lớn rồi còn khóc nhè” của mình: “Tôi ôm đàn và hát, đi xa cùng bè bạn, ước mơ con là vòng quanh thế gian. Tôi vô tình là thế, hay quên gọi về Mẹ, ước mơ của mẹ là thấy con về”. Những đứa con xa nhà như tôi, có lẽ chiếc điện thoại là thứ duy nhất dùng để liên lạc với tổ ấm thân thương nơi quê nhà. Song cũng chính những đứa con xa nhà như tôi, luôn mải mê thỏa thích khám phá những thứ mới lạ nơi đất bạn, luôn đắm chìm trong những cuộc trò chuyện thâu đêm suốt sáng với những người bạn mới để rồi quên đi những cuộc gọi về nhà. Tôi không đếm được bao lần mình đã thấy thông báo hiển thị cuộc gọi nhỡ từ Bố, từ Mẹ; tôi cũng không đếm xuể đã bao lần dòng thông báo “Bạn có tin nhắn mới từ nhóm chat Gia Đình” hiện lên lúc đang dở việc, để rồi cuối cùng lại vô tâm quên cả việc trả lời. 

 

 

Nhưng thật vậy, ai cũng sẽ có lúc “Lớn rồi còn khóc nhè”, càng trưởng thành, áp lực con người ta phải đương đầu càng lớn. Có nụ cười tươi rói trên môi lúc thành công tìm được việc thì cũng sẽ có những giọt lệ trên má lúc không hoàn thành được công việc, phải tăng ca suốt đêm, rồi lại lủi thủi lẻ bóng về nhà lúc chỉ còn đèn đường và lác đác vài chiếc xe nơi thành phố xa lạ. Khoảnh khắc đó, những đứa con tha hương như tôi đột nhiên cảm thấy bản thân thật ra yếu đuối hơn mình nghĩ, và có lẽ, thứ tôi cần nhất lúc ấy chỉ đơn giản là một bữa cơm gia đình đang chờ mình ở nhà sau một ngày dài đằng đẵng, như những ngày xưa ấy…

Từng dòng kí ức như cuốn phim chậm rãi ùa về, tôi vương vấn hơi ấm gia đình, “thèm” được nghe giọng mẹ cha, nghe từng lời động viên, trách móc; rồi lại quay sang tự trách bản thân mình sao lại từng vô tâm đến thế.

 

Những khoảnh khắc trân quý bên gia đình: ta còn có được bao lâu?

 

Có lẽ không chỉ mỗi tôi, cuộc sống đầy bận rộn bằng cách nào đó luôn khiến cho những đứa con xa nhà vô tình quên đi cách trân trọng hai chữ “gia đình”. Nhưng rồi sau tất cả, gia đình vẫn luôn dang rộng vòng tay chở che, luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi chúng ta. Tôi của hiện tại luôn không kiềm được mà gọi về “làm phiền” gia đình thường xuyên hơn, vì tôi biết thời gian không vô hạn, và theo từng ngày tôi dần trưởng thành, ba mẹ ở nhà đang dần già đi. Tuổi 21, tôi đã học được cách trân trọng từng khoảnh khắc bên gia đình, dù chỉ đơn giản qua những cuộc gọi chóng vánh.

Vậy nên, hãy nhấc điện thoại, gọi về nhà…

“ Alo mẹ ạ, Tết này con về thăm nhà nhé!”

Hãy tham khảo thêm về bài viết dành thời gian cho gia đình tại đây.