Bạn đã từng rơi vào tình huống như thế này hay chưa? Một người thường xuyên nhắn tin với bạn, là chỗ dựa tinh thần trong một thời gian dài của bạn, đột nhiên một ngày đẹp trời, người đó bỗng nhiên không trả lời tin nhắn, từ chối các cuộc gọi, thậm chí còn chặn bạn trên các nền tảng mạng xã hội….

Nếu bạn đã từng trải qua câu chuyện trên thì có lẽ bạn đã bị ghost rồi đấy!

  1. Ghosting là gì?

“Ghosting” là một thuật ngữ thường được sử dụng trong các mối quan hệ cá nhân hoặc tình cảm để mô tả hành động của một người đột ngột ngừng liên lạc hoặc chấm dứt mọi hình thức giao tiếp mà không có lời giải thích hay thông báo trước.

Ngay cả khi bạn chủ động tìm cách liên lạc lại thì câu trả lời mà bạn nhận được vẫn là sự im lặng. Nhìn chung, sự biến mất bất thình lình này được ví như những “ bóng ma”, vì vậy nên được gọi là Ghosting.

  1. Nguồn gốc của thuật ngữ Ghosting

Năm 1996, một nhân vật trong hệ thống nhóm chat cổ điển Usenet than thở với bè bạn rằng người anh thích đã “ghost” anh. Nhưng thuật ngữ này chỉ thật sự trở nên phổ biến sau sự kiện chia tay của diễn viên Charlize Theron và Sean Penn vào năm 2015. Nữ diễn viên đã huỷ hôn ước giữa họ bằng việc lờ đi tất cả cuộc gọi và tin nhắn của Sean.

Việc “bị ghost” không chỉ diễn ra trong giới nghệ sỹ mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Nghiên cứu năm 2018 trên tổng số hơn 1000 người dùng từ trang Crowdsourcing cho thấy khoảng 25% nam và nữ bị “ghost” trong mối quan hệ lãng mạn. Trong khi đó, 22% thừa nhận đã “ghost” người khác.

Ghosting cũng được chia thành nhiều cấp bậc, trong đó cấp thấp nhất là những người bạn xã giao ngừng qua lại, cấp cao nhất là khi cả hai đã bồi đắp tình cảm và nảy sinh quan hệ thể xác, sau đó, đối phương vẫn quyết định “dứt áo ra đi” mà không có lời giải thích nào.

  1. Nguyên nhân tạo nên hiện tượng “Ghosting”

Hành vi “ghosting” trong xã hội hiện nay thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do được các chuyên gia công nhận chính là những người chọn Ghosting để kết thúc một mối quan hệ thường có những tổn thương nhất định trong tâm lý.

Những người này thường không có xu hướng gắn bó với người khác lâu dài hoặc không có lòng tin vào bất kỳ mối quan hệ nào. Mặc dù biết rõ hành động này có thể gây tổn thương cho người bị ghost thế nhưng họ lại không biết cách để chấm dứt một mối quan hệ.

Công nghệ cũng là một yếu tố dẫn đến sự phổ biến của ghosting (Theo Psychology Today). Các app hẹn hò giúp việc cắt đứt mối quan hệ dễ dàng hơn. Vì không có mối liên hệ nào ngoài đời thật nên họ có thể chọn cách dừng phản hồi tin nhắn, từ chối các cuộc gọi để kết thúc mọi chuyện.

  1. Làm thế nào để vượt qua khi bị ghost?

Ghosting có thể mang lại tổn thương sâu sắc cho người bị ghost, vì họ không biết chính xác tại sao người kia lại biến mất một cách đột ngột như vậy. Điều này vô tình sẽ khiến họ luôn chìm vào những cảm xúc tiêu cực. Để lấy lại tinh thần, bạn có thể thử những cách sau:

4.1 Nghĩ thoáng hơn: Bị ghost không phải do bạn không tốt

Nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho chính mình khi chẳng tìm được lý do hay lời giải thích thỏa đáng cho việc bản thân bị “ghost”.  Việc một ai đó đột nhiên biến mất khỏi cuộc đời của bạn không phản ánh bất kỳ điều gì về giá trị bản thân của bạn. Hãy xem sự ra đi của họ là một điều bình thường, đây cũng có thể là cơ hội để bạn sữa chữa những khuyến khuyết của mình hoặc để tìm kiếm những mối quan hệ tốt hơn.

4.2 Đừng nhung nhớ quá khứ

Bạn nên hạn chế tìm lại những ký ức về khoảng thời gian vui vẻ đã qua. Xóa hết thông tin liên lạc, xoá hình ảnh hay những dòng tin nhắn,.. sẽ giúp bạn nhanh chóng quên đi những nỗi buồn không đáng có này. Hãy cất gọn quá khứ vào một góc và tận hưởng mỗi phút mỗi giây ở hiện tại với người thân hoặc bạn bè.

4.3 Học cách yêu thương bản thân nhiều hơn

Thay vì đắm chìm trong nỗi đau khổ do một người không trân trọng mình gây ra, bạn có thể tìm kiếm cho bản thân những thú vui mới, như học cách móc len, học một ngôn ngữ mới, học làm bánh,… Hãy mạnh dạn thử những thứ mà trước đây bạn không có thời gian để làm.

Hoặc bạn có thể tham gia vào các CLB đạp xe, leo núi, đi đó đây, mở rộng giao lưu, kết nối với những con người ngoài thế giới thật. Điều này có lợi rất lớn trong việc chữa lành tâm hồn đang khô héo của bạn.

Không ai muốn bị ghost hay bị bỏ rơi trong một mối quan hệ, tuy nhiên không phải ai cũng đủ tử tế để có thể cắt đứt mối quan hệ một cách đường đường chính chính. Do đó, bạn hãy “bình thường hoá” việc bị ghost và đừng để nó ảnh hưởng đến bạn quá nhiều nhé!