Kể từ lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 1969, hơn năm mươi năm đã trôi qua, con người chưa bao giờ ngừng tò mò về hành tinh này. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ ngày nay, cuộc đua lên Mặt Trăng dường như trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết khi ngày càng có nhiều quốc gia muốn thiết lập sự hiện diện lâu dài trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất này.
Từ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc đến Ấn Độ, ý nghĩa chiến lược và giá trị khoa học của Mặt Trăng đang được các nước xem trọng hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến một câu hỏi: Tại sao các nước lại đổ xô lên Mặt Trăng?
1.Vị trí đắc địa, môi trường phù hợp cho các nghiên cứu thiên văn, địa chất và vật lý
Mặt trăng được mệnh danh là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất với độ sáng ở bầu trời chỉ sau mặt trời nên đây sẽ là một nơi lý tưởng để quan sát vũ trụ. Môi trường sạch sẽ, không có bầu khí quyển của bề mặt Mặt Trăng cung cấp cho các nhà khoa học một nền tảng nghiên cứu độc đáo, cho phép họ tiến hành nhiều thí nghiệm thiên văn, địa chất và vật lý để khám phá nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ.
Tại đây, các nhà khoa học có thể sử dụng thiết bị quan sát thiên văn tiên tiến để nghiên cứu sự hình thành, tiến hóa và cấu trúc của các thiên hà, hành tinh và các ngôi sao. Ngoài ra, bề mặt Mặt Trăng còn lưu giữ hàng tỷ năm lịch sử địa chất, ghi lại quá trình tiến hóa của Hệ Mặt Trời. Bằng cách thu thập và phân tích các mẫu đất đá từ bề mặt Mặt Trăng, các nhà khoa học có thể suy ra lịch sử địa chất của Mặt Trăng và tiết lộ cấu trúc cũng như thành phần bên trong của nó.
Không chỉ vậy, môi trường trọng lực thấp của Mặt Trăng khiến nó trở thành địa điểm thí nghiệm lý tưởng để nghiên cứu hành vi của chất lỏng, khí và chất rắn trong môi trường vi trọng lực, từ đó có thể cống hiến thêm nhiều giả thuyết và lý luận cho ngành vật lý.
2. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ
Môi trường khắc nghiệt trên Mặt Trăng buộc các nhà khoa học phải phát triển nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau để đẩy nhanh tiến độ khám phá không gian và đặt nền tảng vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại trên hành tinh này trong tương lai.
Oxy, nước và thức ăn là những thứ khó có thể tìm thấy trên hành tinh này. Vì vậy, để duy trì sự sống lâu dài, các nhà khoa học phải nghiên cứu để đưa hệ thống lưu thông không khí, hệ thống tuần hoàn nước và hệ thống phát triển thảm thực vật lên đây.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phải đối mặt với việc xây dựng hệ thống năng lượng ổn định trên Mặt Trăng. Về mặt lý thuyết, năng lượng Mặt Trời có thể là nguồn năng lượng lý tưởng cho hành tinh này nhưng do đêm trên mặt trăng kéo dài 2 tuần nên nguồn năng lượng Mặt Trời sẽ không ổn định. Vì vậy, các nhà khoa học cần nghiên cứu và phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng như pin Mặt Trời để đảm bảo cung cấp năng lượng liên tục.
3.Mặt Trăng chứa đựng nguồn tài nguyên khổng lồ mang giá trị kinh tế cao
Một lượng lớn tài nguyên băng nước đã được tìm thấy ở vùng tối ở cực bắc và cực nam của Mặt Trăng. Các nhà khoa học phát hiện ra những phân tử Hydroxyl bao gồm hydro và oxy trải rộng trên bề mặt mặt trăng và tập trung ở các cực. Chúng không chỉ quan trọng đối với sự sống của con người mà còn có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.
Việc phát hiện tài nguyên băng nước có thể cung cấp hồ sơ về núi lửa cũng như nguồn gốc của các đại dương trên Mặt Trăng. Nếu nước đá tồn tại đủ nhiều, nó có thể là nguồn nước uống cho hoạt động thám hiểm Mặt Trăng và có thể giúp làm mát thiết bị máy móc liên quan.
Ngoài ra, trên Mặt Trăng còn có Helium-3, một đồng vị cực hiếm của Heli trên Trái Đất. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ ước tính, có khoảng 1 triệu tấn Helium-3 trên mặt trăng. Không chỉ có giá trị cao, Helium-3 còn có thể cung cấp năng lượng hạt nhân trong lò phản ứng nhiệt hạch, và vì nó không phóng xạ nên sẽ không tạo ra chất thải nguy hiểm.
Ngoài băng nước và helium-3, bề mặt Mặt Trăng còn chứa nhiều tài nguyên kim loại quý hiếm như Bạch Kim, Titan, Uranium, và nhiều kim loại, khoáng chất thường được sử dụng trong chế tạo điện thoại thông minh, máy tính và công nghệ tiên tiến như Bazan, Sắt, Thạch Anh, Silicon, Palladium, Rhodium,…
Ngày nay, khi công nghệ kĩ thuật ngày càng phát triển, bước tiến trên Mặt Trăng có thể trở thành biểu tượng của sức mạnh quốc gia, là chìa khóa dẫn đến ưu thế quân sự và là một lợi thế cạnh tranh quốc tế mới.
Đối với nhân loại, đây có thể là một cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người giúp chúng ta lật mở những bí mật của Mặt Trăng, là bước đệm để giúp ta khám phá những dải ngân hà rộng lớn, mở ra chương mới trong thời đại vũ trụ.